Xem bài viết đơn
  #49  
Cũ 13-09-2009, 10:52 PM
tunbo tunbo vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Senior Member
Xe đã zin trở lại
 
Tham gia ngày: Dec 2007
Đến từ: Nay đây mai đó
Bài gởi: 2.827
Thanks: 1.375
Thanked 3.703 Times in 760 Posts
Biến số xe: Bán rồi
Mặc định 28 giờ ở Cố đô Huế - Part 4 : Lăng Minh Mạng

Các vị vua đầu triều Nguyễn nói chung đều giỏi thơ (vua Gia Long trong đời mắc chinh chiến nhiều, không rõ về khoản văn thơ thì thế nào, còn Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều là những vị vua giỏi về thơ).

Thời trị vì của vua Minh Mạng có thể nói là một thời kỳ cực thịnh của văn thơ Việt thế kỷ XIX với nhiều tên tuổi lừng danh như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, cùng những tài thơ con vua như Nguyễn Phước Miên Tông (Vua Thiệu Trị), Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tương An Quận Vương Miên Bửu và ba Công chúa Trọng Khanh, Trúc Khanh, Quý Khanh.
Hiếu Lăng có thể nói là một bảo tàng thơ của nhà vua. Thơ của ông được khắc lên khắp nơi ở 4 công trình chính của lăng : Bi Đình, Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, Minh Lâu! Số thơ ở Hiếu Lăng lên đến trên 120 bài tứ tuyệt (ngũ ngôn và thất ngôn) được khắc từng câu thành 500 ô chữ tách biệt trên các chi tiết gỗ của các công trình trên. Tuy nhiên, sự sắp xếp các câu thơ chữ Hán của nhà vua trên các công trình ở Hiếu Lăng không phải là theo thứ tự thành các bài thơ hoàn chỉnh, mà có những quy tắc đặc biệt. Các nhà nghiên cứu Huế sau này mất rất nhiều công lao nghiên cứu các ô chữ ở Hiếu lăng, rồi lại phải đem nghiên cứu mối liên hệ với những bài thơ của nhà vua được khắc trong các công trình ở Đại Nội, mới có thể "dịch" và "giải mã" được một số bài thơ theo đúng nguyên tắc, luật lệ và cấu trúc vốn phải có của thơ. Tuy nhiên vẫn còn một số chưa thể dịch được, có thể do một số chữ bị mất do sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh.
Thơ của nhà vua khắc trên các công trình ở Hiếu lăng, chủ yếu là thơ ca ngợi giang sơn gấm vóc, cảnh đẹp núi sông, đất nước thái bình, triều đình bền vững.


Một bài ở Bi Đình :

Cao lĩnh tình quang chiêm ái ái
Viễn phong thự sắc đỗ thương thương
Bạch vân xuất động tu du tán
Lục thọ bình phô ý đài trường


Trời quang núi dựng tầng tầng
Non xa một dải xanh dần dần xanh
Rời hang mây trắng tan nhanh
Đất bằng hiện rõ cây xanh rêu dài
(Nguyễn Trọng Tạo dịch)


Bài thơ về hoa sen, khắc ở Sùng Ân Điện :

Sen đẹp như người đẹp
Chuối tơ màu lục non
Gió mát tình dào dạt
Ngắm hoa ý thơ tràn
(Tấn Hoài dịch)


Một bài khác miêu tả thôn xóm giàu có sung túc, cũng khắc ở Sùng Ân Điện :

Thương dĩ doanh thu cốc
Dã tương mậu hạ hoà
Minh già vô thú thán
Kích dưỡng hữu nông ca


Dịch :

Vụ thu thóc đã đầy kho
Ngoài đồng mùa hạ lúa ngô bời bời
Không lo lính thú nên vui
Say sưa đập đất hát bài nhà nông



Trên Minh Lâu có bài thơ vịnh ngôi nhà của đạo sĩ ở ẩn :

Long lanh ngọc đính trên sa
Thảnh thơi một mái khuất xa thị thành
Thú vui cao sĩ ẩn mình
Nằm trong mây khói bồng bềnh cuối thu
(Hoàng Phủ Ngọc Tường dịch)


Hoặc bài tả cảnh đêm thôn quê :

Thanh thanh thuỳ thuý mạc
Diệu diệu quải kim luân
Tứ dã nghiêm sương túc
Cửu tiên trạm lộ tân


Đêm xanh buông thả tấm màn
Lửng lơ treo bánh xe vàng trên cao
Ruộng đồng sương đọng từ lâu
Trời con gieo tiếp giọt châu trong ngần
(Nguyễn Trọng Tạo dịch)

Một số ý kiến cho rằng, các bài thơ của vua Minh Mạng là do vua Thiệu Trị (con vua Minh Mạng) cho khắc vào để "khoe" tài vua cha, nhưng thực tế thì Minh Mạng đã mất đến 14 năm để quyết định chọn vị trí, duyệt đồ án thiết kế lăng, và bắt đầu công việc xây lăng được ít lâu mới băng, chứ không phải ông ta không có sự chuẩn bị, nên chắc chắn những bài thơ được khắc trong các công trình ở Hiếu Lăng, Minh Mạng có chủ ý từ trước.
Làm thơ nhiều như thế, nhưng Vua Minh Mạng không coi mình là nhà thơ: "Thơ ta làm ra là để làm vui khi rỗi việc đó thôi...". Ông còn nói: "Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là Trời. Tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng kỳ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết!".

Nói chung, đánh giá về vua Minh Mạng có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, nhưng đều có một điểm chung : đây là vị vua có tư chất minh mẫn, có tính hiếu học và hay làm, việc gì cũng xem xét rất tỉ mỉ và tự phê duyệt rồi mới cho làm.


Một đoạn đánh giá về vua Minh Mạng trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim in năm 1919 :

Trong đời vua Thánh tổ, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ. Nhưng chỉ vì ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo cổ, chứ không tùy đời mà biến hóa phong tục; lại không biết khoan dung cho sự sùng tín, đem giết hại những người theo đạo, và lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta lẻ loi một mình.
Đã hay rằng những điều lầm lỗi ấy là trách nhiệm chung cả triều đình và cả bọn sĩ phu nước ta lúc bấy giờ, chứ không riêng chỉ một mình ngài, nhưng ngài là ông vua chuyên chế một nước, việc trong nước hay dở thế nào, ngài cũng có một phần trách nhiệm rất to, không sao chối từ được. Vậy cứ bình tĩnh cũng có nhiều điều dở : ngài biết cương mà không biết nhu, ngài có uy quyền mà ít độ lượng, ngài biết có dân có nước mà không biết thời thế tiến hóa. Bởi vậy nên nói rằng ngài là một ông anh quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là ông bạo quân thì không công bằng. Dẫu thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc nước, tưởng về bản triều(*) nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn ngài


(*) : Trần Trọng Kim in cuốn Việt Nam sử lược này vào năm 1919 - dưới triều vua Khải Định. Từ "bản triều" chỉ triều Nguyễn đương thời. Ông Trần dù sau này có làm Thủ tướng chính quyền Việt Nam thân Nhật một thời gian ngắn năm 1945, nhưng đó là việc chính trị của ông ấy, còn về cơ bản, ông ta là nhà nghiên cứ lịch sử, nhà giáo. Các ý kiến của ông ta trong cuốn sách tương đối khách quan, hiện đại (vào thời điểm ấy)
__________________
Gác kiếm
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 5 Users Say Thank You to tunbo For This Useful Post:
Tuanrocker (14-09-2009), jimmy nguyen (14-09-2009), mobinam (14-09-2009), simba (17-09-2009), trang11 (13-09-2009)