Xa xa phía sau hai chiếc xe tăng, gần đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là chiếc máy bay F5 - loại máy bay mà ông Nguyễn Thành Trung đã sử dụng để không kích Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975.
Trong lịch sử tồn tại, Dinh Norodom cũ và Dinh Độc Lập đã 2 lần bị không kích.
Lần thứ nhất vào ngày 27/2/1962 - hậu quả là Ngô Đình Diệm đã buộc phải phá Dinh Norodom để xây lại.
Vào thời điểm 1961, 1962, chính quyền miền Nam Việt Nam do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, em trai ông ta - Ngô Đình Nhu - làm cố vấn. Nội bộ giới cầm quyền có những mâu thuẫn rất căng thẳng, sâu sắc. Do đó, ngày 27/2/1962, hai phi công trẻ trong hàng ngũ Không lực Việt Nam Cộng hòa, là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc đã lái 2 chiếc máy bay ném bom AD6 (có tài kiệu ghi là máy bay A-1 Skyraider - không biết có phải hai tên gọi chỉ là một hay không) của Mỹ, tấn công vào Dinh Độc Lập. Hai chiếc máy bay đã thả bom, bắn rocket và xả nhiều loạt đạn súng máy xuống Dinh trong gần 30 phút, lục lượng phòng vệ Sài Gòn mới bắt đầu có phản ứng. Cuộc tấn công thực sự chấm dứt sau 1 tiếng đồng hồ, và làm sạt hoàn toàn cánh trái của Dinh - do không thể khắc phục sửa chữa, nên sau đó ông Diệm đã cho phá Dinh để xây lại Dinh mới ngay tại vị trí cũ.
Về số phận 2 viên phi công, không rõ về Nguyễn Văn Cử sau này ra sao, còn về phi công Phạm Phú Quốc (1935 - 1965), ông này nguyên là một phi công giỏi của Không Quân VNCH. Ngày 27-02-1962, ông Quốc cùng ông Cử thả bom trúng mục tiêu, nhưng cuộc ám sát không thành công. Máy bay của ông Quốc bị phòng không của hải quân ở bến Bạch Đằng bắn trúng. Ông Quốc phải đáp xuống sông Sài Gòn và bị bắt giam cho đến 1963. Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, ông Quốc trở về quân đội và được thăng cấp dần từ trung úy lên tới Trung Tá. Máy bay của ông Quốc bị lực lượng phòng không Việt Nam Dân chủ cộng hòa bắn rơi trong một cuộc ném bom hệ thống giao thông ở Hà Tĩnh vào năm 1965, và ông ta chết trong vụ đó.
Lần chịu không kích thứ hai của Dinh là ngày 8/4/1975. Lúc này cục diện cuộc chiến đã gần như ngã ngũ, nhưng để giảm bớt thương vong cho cả hai phía, Bộ chỉ huy quân Giải phóng quyết định tấn công thẳng vào trung tâm đầu não của địch, và Dinh Độc Lập là mục tiêu được chọn. Ngày 8/4/1975, nhận được lệnh từ Bộ chỉ huy, Phi công Nguyễn Thành Trung (lúc này đang công tác trong lực lượng không quân chính quyền Sài Gòn, cấp bậc Trung úy) đã cất cánh từ sân bay Biên Hòa trên chiếc F5E hướng về Sài Gòn - Thực ra lúc đó ông Trung có lệnh xuất kích (của Việt Nam Cộng hòa) cùng một phi đội 3 chiếc F5E, nhưng lợi dụng sơ hở của địch, ngay khi cất cánh, ông Trung đã tách khỏi phi đội, bay vào hướng Sài Gòn. Lượt bom đầu tiên cả 2 quả bom đều không trúng mục tiêu, ông lại cắt bom lần thứ 2 nhưng chỉ có 1 quả phát nổ. Ông điều khiển máy bay quay lại tiếp tục dùng súng máy 20 li để bắn vào kho xăng Nhà Bè. Sau đó ông cho máy bay hạ cánh an toàn trên đường băng dã chiến, tại tỉnh Phước Long (Bình Phước ngày nay). Sau đó, ngày 28/4/1975, ông Trung lại dẫn đầu một phi đội gồm 5 chiếc A37 từ Phan Rang tấn công sân bay Tân Sơn Nhất gây thiệt hại nặng nề cho đối phương. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Thành Trung vẫn công tác trong lĩnh vực Hàng không (sau này ông chuyển sang Hàng không dân dụng).
__________________
Gác kiếm