![]() |
Truyện ngắn
Xót xa T/G Tầm Duyên Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn: _ Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu? Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra: _ Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc! Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên. Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu : _ Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi ! |
Anh Hai
t/g: Lý Thanh Thảo - Ăn thêm cái nữa đi con! - Người đàn bà giàu sang bảo con. - Ngán quá, con không ăn đâu! - Ðứa con cằn nhằn, từ chối. - Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng! - Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi! Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe hơi rơi xuốnh đường, xát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đị Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh kem nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, con bé gái nuốt nước miếng bảo thằng bé trai: - Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn. Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Ðứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó thổi làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn. - Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh - Con bé nói rồi thút thít. - Ừa. tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi... |
Bài văn bị điểm không
- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba. Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?" - Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm. Tôi thở dài:- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào? - Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba đứa khác?" Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má. Chuyện về cậu học sinh có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực. Từ nguồn http://forum.cuasotinhoc.vn |
Những chiếc bao lì xì
Ba mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và bỏ đầy con heo đất. Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: “Mày được bao nhiêu?” Nó đáp: “Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 cái” |
SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI
Một đàn ếch đi ngang qua một khu rừng và hai con ếch bị rơi xuống một cái hố. Khi thấy cái hố quá sâu những con ếch còn lại bèn nói với hai con ếch kia rằng chúng sẽ phải chết. Hai con ếch mặc kệ những lời bình luận và cố hết sức nhảy ra khỏi cái hố. Đàn ếch nhao nhao bảo chúng đừng vô ích, hãy chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi. Cuối cùng, một con ếch nghe theo lời của đàn ếch. Nó gục xuống chết vì kiệt sức và tuyệt vọng. Con ếch còn lại vẫn dồn hết sức lực còn lại tiếp tục nhảy lên. Đám ếch trên bờ lại ầm ĩ la lên bảo nó hãy nằm yên chờ chết. Con ếch nọ lại càng nhảy mạnh hơn nữa . Và thật kỳ diệu, cuối cùng nó cũng thoát ra khỏi cái hố sâu. Đàn ếch xúm lại: "Không nghe chúng tôi nói à?" Chúng cứ hỏi mãi trong sự ngạc nhiên , lúng túng của con ếch nọ. Cuối cùng sự thật cũng được một con ếch già hé lộ rằng con ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc và chắc nó cứ nghĩ là những con ếch khác đang hò reo cổ vũ cho nó !!! (St) |
MẸ MẠNH TỬ DẠY CON
Thuở nhỏ gia đình Mạnh nghèo khó, hai mẹ con lây lất sống ở những ngôi nhà mồ của nghĩa địa. Thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc... Mạnh cũng bắt chước làm theo. Mẹ Mạnh thấy thế rất lo ngại, bà thầm nghĩ : - "Chỗ này không phải là chỗ cho con ta ở". Rồi lập tức bà dọn đồ đạc ra chợ ở. Mạnh thấy người cân bán mậu dịch đổi chác, cũng bắt chước làm theo. Mẹ thấy vậy càng lo ngại hơn nhiều, bà lại nghĩ: - "Chỗ này cũng không phải là chỗ cho con ta ở." Rồi tiếp tục bà dọn đồ đạc đến cạnh trường học ở. Lần này bà rất hài lòng vì từ khi về đấy Mạnh bắt chước học hành chăm chỉ. Bà vui vẻ nghĩ : - "Đây mới là chỗ đáng cho con ta ở vậy!" Một hôm thấy nhàhàng xóm giết lợn, Mạnh hỏi mẹ : - Thưa mẹ, người ta giết lợn làm gì thế ? - Để cho con ăn đấy. Bà lỡ miệng nói đùa. Nói xong bà chợt nhớ là mình đã lỡ lời. Bà nghĩ :"Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao ?". Đoạn bà đi mua thịt lợn mà cho con ăn thật. Lại một hôm khác, trong lúc bà đang dệt cửi, xa trông thấy con trốn học về nhà, bà buồn giận kêu Mạnh đến gần, lập tức cầm dao chặt đứt tấm vải đang dệt rồi mắng : - Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt vải mà chặt đứt vải vậy. Mạnh nghe mẹ dạy, cảm động sa nước mắt, và kể từ hôm ấy Mạnh học tập chuyên cần hơn trước gấp bội, nhờ đó Mạnh luôn là học sinh xuất sắc của lớp và về sau Mạnh trở thành bậc đại hiền minh triết. (st) |
những câu chuyện ngụ ngôn rất sâu xắc
|
THỊT GÀ
THỊT GÀ Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe: - Nhà Tý ăn thịt gà. Đêm đó, bà Tám chửi: - Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc kỳ tử. Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui. Trời đổ mưa. Thằng Tý la lớn: - Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi. Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo. |
(Sưu tầm)
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba… Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: - "Có dư đồng nào không con?". Tôi đáp: - "Còn dư bốn ngàn ba ạ". Ba nói tiếp: - "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa". Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng. |
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”. Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!” |
(Sưu tầm)
Người tốt, người xấu Trong một lần đi công tác lên Đà Lạt, chiếc xe hơi cũ kĩ bò lên dốc đồi, trời sẩm tối, đường vắng anh thấy sợ. Chợt có bóng một người đàn ông tất tả xách một chiếc túi nhào ra đường vẫy tay dồn dập xin quá giang. Nhìn tới nhìn lui anh bỗng ngại. Nhưng đôi mắt kia van xin tuyệt vọng. Anh dừng xe,chép miệng: - Thôi đành vậy, tôi chỉ sợ gặp phải người xấu. -Xin ông cứ trói tay chân tôi lại và cho tôi đi nhờ lên thị xã. Con tôi đang cấp cứu trong bệnh viện ... |
(Một người bạn gửi)
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ. Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ. Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói: - Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con! ----------------------------------------------- Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang. Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa: - Con gái là con người ta. Mẹ gục đầu nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại. Mẹ cũng là con gái… -------------------------------------------------------- Cái điệp khúc ấy má tôi nhắc hoài mỗi khi soạn tủ: - Ba con không thích má cho ai quần áo cũ. Ổng nói: "Thà cho họ một số tiền, anh không thích hương áo em lại đưa cho người khác mặc." Giờ, hương xưa còn giữ lại, người xưa đã đi xa... Dọn tủ. Tôi chọn một bộ cho chị bán cơm ở vỉa hè, để rồi sau đó bao lần phải ngoảnh mặt đi mỗi khi thấy chị ấy tất tả ngược xuôi trên hè phố trong thấp thoáng bóng dáng của má tôi. |
(ST)
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp đụng ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười. Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn không hiểu gì, con khóc... |
Rau muống
Tác giả: Đăng Châu Ở Mỹ, viết thư về nó cứ bảo: "Mình thèm rau muống luộc chấm mắm nêm quá, ước gì!". Vừa rồi nó về, mình ra chợ mua một mớ rau muống ngon về luộc đãi nó. Nhìn đĩa rau muống nó bĩu môi: "Cậu ăn uống kham khổ thế à?". |
Vầng Trăng Khuyết
(T/g:Tăng khắc Hiển) Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng. Hai mươi năm sau... Đứa con đã chạm tới đỉnh cao danh vọng và nghĩ về tổ ấm. Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà. Vầng trăng khuyết đi một nửa… |
Chị Hai lên thành phố học, được gần năm. Tết chị về. Cả nhà vui lắm. Cu Tí, cái Na tròn mắt nhìn chị rồi rụt rè sờ lên bộ đồ chị đang mặc.
Bữa cơm ngon hơn. Chị kể chuyện thật nhiều. "Ở thành phố thích thật", cái Na nói. Chợt cu Tí giật giật áo mẹ: "Chị Hai không bắt chước được giọng mình nữa, mẹ ơi". ------------------------------------------------ Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói. Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ...". ------------------------------------------------ Con kiếm tiền cho Ba nè! Đứa con 4 tuổi xoè tay đưa tôi 2.000 đ. Hỏi con tiền đâu có? Con trả lời lấy của bạn. Tôi tức giận la con như vậy là ăn cắp, xấu biết không? Con vừa khóc vừa nói: Con kiếm tiền đưa Ba để Ba ở nhà chơi với con. Mãi mê lo kiếm tiền lo cho con và gia đình, tôi cứ nghĩ như thế là đủ. Đến khi ôm con vào lòng tôi mới cảm nhận được con tôi đang cần gì. (bạn st) |
Bài này mình mới sưu tập được:
---= bữa ăn tối ở nhà hàng ly hôn =--- Anh cưới chị được 10 năm. Giữa hai vợ chồng không còn xúc cảm và hứng thú. Anh ngày càng cảm thấy đối với vợ hầu như chỉ còn là trình tự và nghĩa vụ. Anh bắt đầu thấy ngán. Nhất là khi đơn vị vừa nhận về một người phụ nữ trẻ hết sức sôi nổi và cuồng nhiệt bám lấy anh. Anh chợt có cảm giác cô ta là mùa xuân thứ hai của anh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định ly dị vợ. Chị dường như đã trơ lỳ, bình thản, đồng ý đòi hỏi của anh. Thủ tục tiến hành rất thuận lợi. Sau khi ra khỏi cửa, anh chị đã trở thành cá nhân độc lập và tự do. Không hiểu sao, anh bỗng thấy trống trải vô cùng, anh nhìn chị nói: “Trời tối rồi, hay là đi ăn cơm đã” Chị nhìn anh nói: “Vâng. Em nghe nói gần đây vừa khai trương Nhà hàng Ly Hôn, chuyên phục vụ bữa ăn cuối cùng cho các cặp vợ chồng ly dị. Chúng mình đến đấy đi?” Anh gật đầu. Hai người, một trước một sau lặng lẽ đi vào Nhà hàng Ly Hôn. Anh chị vừa yên vị trong phòng VIP, cô phục vụ đã bước vào nói: “Anh chị dùng gì ạ?” Anh nhìn chị nói: “Em gọi đi.” Chị lắc đầu: “Em ít khi ăn nhà hàng, không quen gọi món, anh gọi đi.” “Xin lỗi, nhà hàng chúng tôi quy định, bữa này do vợ gọi món hàng ngày người chồng thích ăn nhất, và chồng gọi món người vợ thích ăn nhất. Đấy là món “Ký ức cuối cùng.” “Thôi được”, chị hất món tóc xõa trước mặt ra sau, nói: “Gà luộc chấm gia vị nước chanh, đậu phụ rán chấm nước mắm nguyên chất rắc hành thái nhỏ, chân giò luộc chấm mắm tôm, rau cải thảo luộc.” “Anh gọi gì ạ?” Cô phục vụ nhìn anh. Anh sững người. Lấy nhau 10 năm, anh thật sự không biết vợ anh thích ăn món gì. Anh há hốc mồm, ngồi thừ ra đấy. “Những món này đủ rồi, đều là món chúng tôi thích nhất.” Chị vội chữa thẹn cho anh. Cô phục vụ cười: “Thực tình mà nói, đến nhà hàng chúng tôi ăn bữa cơm cuối cùng, các anh các chị đều không thể nuốt trôi. Hay là anh chị đừng dùng món “Ký ức cuối cùng” nữa, hãy dùng bữa tối nhà hàng đặc biệt làm cho vợ chồng ly hôn: Đồ uống ướp lạnh. Những người đến đây, không có ai từ chối sự lựa chọn này.” Anh chị gật đầu: “Được.” Chốc lát, cô phục vụ mang đến hai suất đồ uống ướp lạnh. Trong hai suất có một suất xanh lơ, toàn đá đập vụn; một suất đỏ tươi, còn đang bốc khói. “Bữa tối này gọi là “một nửa ngọn lửa, một nửa nước biển”. Mời anh chị thưởng thức.” Cô phục vụ nói xong lui ra. Trong phòng ăn im lặng như tờ, anh chị ngồi đối diện, nhưng không biết nói gì với nhau. “Cộc cộc cộc!” Có tiếng gõ cửa nhẹ nhàng. Cô phục vụ đi vào, tay bưng chiếc khay có một bông hồng đỏ tươi, nói: “Anh còn nhớ cảnh tặng hoa cho chị đây không? Bây giờ, khi mọi việc đã kết thúc, không còn là vợ chồng, nhưng là bạn. Bạn bè gặp nhau vui vẻ rồi chia tay, anh tặng chị bông hồng cuối cùng đi.” Chị rùng mình, trước mắt hiện ra cảnh anh tặng hoa chị 10 năm về trước. Hồi đó, anh chị vừa đến thành phố xa lạ này, hai bàn tay trắng, bắt đầu xây tổ ấm từ số không. Ban ngày, anh chị đi tìm việc làm, ban đêm chị ra hè phố bán quần áo. Anh vào nhà hàng rửa bát. Nửa đêm mới về đến gian nhà thuê chưa đầy 10 mét vuông. Đời sống khổ cực, nhưng anh chị thấy vui, thấy hạnh phúc. Tết Valentin đầu tiên ở thành phố này, anh mua tặng chị bông hồng đầu tiên, nước mắt chị chảy dài trên má vì sung sướng quá. 10 năm rồi, cuộc đời đã giàu lên, thế mà anh chị lại chia tay nhau. Càng nghĩ, chị càng tủi, hai mắt ngấn lệ, xua tay nói: “Thôi, thôi, khỏi cần.” Anh cũng nhớ lại 10 năm qua. Và sực nhớ 5 năm nay, anh không mua hoa tặng chị. Anh vội vẫy tay, nói: “Không, phải tặng.” Cô phục vụ cầm bông hồng lên, “xoèn xoẹt” một cái, bẻ làm đôi, ném vào cốc của anh chị, mỗi người một nửa. Bông hồng tức khắc hòa tan trong cốc. “Đây là bông hồng nhà hàng làm bằng gạo nếp, cũng là món ăn thứ ba gửi anh chị. Mời anh chị thưởng thức. Còn cần gì nữa, anh chị cứ gọi tôi”. Nói xong, cô quay người ra khỏi phòng. “Em... anh...” Anh nắm lấy tay chị, nói không nên lời. Chị rút mạnh bàn tay. Không rút nổi, bèn để yên. Anh chị im lặng nhìn nhau, vẫn không nói nên lời. “Phụt!” Đèn điện tắt ngấm, trong phòng tối om. Bên ngoài vang lên tiếng chuông báo động đổ dồn, có mùi cháy khét lẹt bay vào. “Chuyện gì thế?” Anh chị vội đứng lên. “Nhà hàng cháy rồi, mọi người ra ngoài mau, mau lên!” Bên ngoài có người kêu thét lên. “Anh!” Chị ép vào người anh, “em sợ!” “Đừng sợ!” Anh ôm chặt lấy chị, “Em đừng sợ, có anh ở bên cạnh. Chúng mình chạy ra ngoài đi.” Ngoài phòng, đèn điện sáng trưng, mọi vật như cũ, không có chuyện gì xảy ra. Cô phục vụ nói: “Xin lỗi anh chị, đây là món “Sự lựa chọn từ đáy lòng” của nhà hàng gửi tới anh chị.” Anh chị trở về phòng ăn, ánh sáng chan hòa. Anh cầm tay chị nói: “Vừa nãy là sự lựa chọn từ đáy lòng của chúng mình thật. Anh cảm thấy chúng mình không thể sống thiếu nhau, ngày mai chúng mình đi đăng ký lại!” Chị cắn môi: “Anh nói thật lòng đấy chứ?” “Thật! Anh hiểu rồi.” Cô ơi, cho thanh toán. Cô phục vụ đi vào, đưa cho anh chị mỗi người một tấm phiếu màu hồng rất đẹp nói: “Đây là phiếu thanh toán của anh chị, cũng là món quà của nhà hàng gửi tặng anh chị, gọi là “Phiếu thanh toán vĩnh viễn”, mong anh chị cất giữ mãi mãi.” Anh nhìn phiếu, mắt đỏ hoe. “Anh làm sao thế?” Chị lo lắng hỏi. Anh đưa phiếu thanh toán của mình cho chị, nói: “Anh có lỗi với em, mong em tha thứ.” Chị cầm tấm phiếu đọc: “Một gia đình ấm cúng, hai bàn tay làm lụng, ba canh ngồi chờ anh về, bốn mùa dặn anh giữ gìn sức khỏe, năm tháng săn sóc anh chí tình, sáu mươi mẹ già vui vẻ, bảy ngày trong tuần nuôi dạy con cái, tám phương giữ gìn uy tín của anh, chín giờ thường xuống bếp làm món anh khoái khẩu, mười năm hao tổn tuổi xuân. Vì ai... Đó là vợ anh”. “Anh vất vả thật đấy. Mấy năm qua em thờ ơ với anh quá.” Chị đưa phiếu thanh toán của mình cho anh xem. Anh mở ra đọc: “Một mình gánh vác trách nhiệm, hai vai nặng trĩu cơ đồ, ba canh cặm cụi bên bàn, tứ thời chạy ngược chạy xuôi, vinh nhục biết chia sẻ cùng ai, bể dâu khắc sâu đuôi mắt, nghĩa vụ đối với gia tộc, gập ghềnh chông gai con đường công danh, là người phàm tục làm sao mười phân vẹn mười. Lúc nào cũng tận tình với vợ con... Đấy là chồng em”. Anh chị ôm chầm lấy nhau, oà lên khóc thành tiếng. Theo Đỗ Quyên Hạnh phúc gia đình |
Chuyện hay quá Abuladin ơi, sưu tầm tiếp cho anh em đọc ngẫm chơi :)
|
Em xin tiếp, theo lời động viên của anh Mob (toàn bộ là sưu tầm)
BỜ DẬU TRƯỚC NGÕ Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị... Ở đó,chàng đã ăn chơi trác táng... Kiếp sống sa đọa đã đưa chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình, trong vòng tay yêu thương của mẹ hiền. Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường trở về, nghĩ mình quá bất hiếu không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận lỗi. Chàng cũng ngỏ ý: - Nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà. Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một cái áo bông mà lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cả dậu trước ngõ. |
NGƯỜI LÍNH MÙ
Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt. Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng,một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ còn đủ sức để thốt lên tiếng"MẸ". Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau...Người mẹ già xót xa: - Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ? Người lính mù ấy đáp: - Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con. |
CHẾT VÌ CON
Một người tiều phu nọ một hôm vào rừng đốn củi về nhà đun, bắt được một ổ rắn con, liền đem về nhà. Anh ta lấy một cái chảo thật lớn, bỏ hết số trứng đã bắt được vào trong đó, rồi chụm lửa đun. Đang đun được nửa chừng, bỗng anh ta phát hiện ra có một con rắn rất lớn đang tiến lại gần. Anh ta vô cùng hoảng sợ, liền chạy vào trong nhà đóng kín tất cả các cửa lại, tay cầm con dao rựa thủ sẵn. Con rắn to đó là mẹ của ổ trứng rắn đang nằm trong chảo lửa. Nó tiến lại gần chảo lửa tìm mọi cách cứu được đám con của mình. Nhưng ngọn lửa quá lớn, vả lại nước trong chảo đã gần sôi. Không biết làm cách nào để cứu được con, rắn mẹ chỉ biết cố bò lên chảo nóng, đầu cuốn vào quai chảo, còn đuôi thì cuốn vào quai chảo còn lại, rồi dùng bụng tát nước nóng ra khỏi chảo. Anh tiều phu ngồi trong nhà thấy lâu không có chuyện gì, bèn ra ngoài coi thử. Anh hết sức ngạc nhiên cũng như vô cùng thẫn thờ khi nhìn thấy rắn mẹ nằm cuộn tròn quanh đống trứng, chết cùng đàn con của mình giữa một chảo nước đang sôi. |
TRƯỚC KHI CHẾT
Như mọi ngày, bác thợ săn mang nỏ vào rừng săn thú. Bác có tài săn thú rất giỏi, vì thế những con thú nào rơi vào tay bác thì hôm đó coi như tiêu đời. Nhưng đã đi được lúc lâu mà vẫn chưa thấy con thú nào, bác vẫn kiên nhẫn tiếp tục đi sâu vào trong rừng. Đi một lúc,bất ngờ bác nhìn thấy hai mẹ con vượn xám đang ngồi trên tảng đá dưới một gốc cây. Vượn mẹ đang mải miết âu yếm và đùa giỡn với con, nhưng nó không hề hay biết gì về người thợ săn đang rình rập nó. Không bỏ lỡ cơ hội, bác thợ săn giương nỏ lên, lấy một mũi tên và bắn. Mũi tên lao đi vun vút cắm vào ngực vượn mẹ. Vượn mẹ giật mình đau đớn, hết nhìn mũi tên rồi lại nhìn người thợ săn với cặp mắt đầy căm giận. Nhưng tay nó không hề rời khỏi con. Nó vơ vội nắm bùi nhùi gần đó gối lên đầu vượn con, cố vươn người hái những chiếc lá to để vắt từng giọt sữa nhỏ vào miệng vượn con. Trong khi đó vết thương trên ngực nó càng ra máu nhiều, loang đỏ khắp ngực và chảy xuống tảng đá. Đoạn, nó rút mạnh mũi tên ra, hú một tiếng thật to rồi từ...từ...ngã xuống. Người thợ săn thấy vậy đứng lặng người, cắn chặt môi, hai giọt nước mắt lăn trên gò má. Ông bèn bẻ gãy đôi chiếc nỏ vụt mạnh xuống đất, rồi lặng lẽ quay trở về! |
MỘT VIỆC NHỎ THÔI
Một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Dịp hè, họ cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt. Thế rồi họ trông thấy một bà cụ già nhỏ nhắn ăn mặc xuềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà thêm khó coi. Bà cụ đang lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi. Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta nên đi chỗ khác kiếm ăn. Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà cứ từ từ tiến về phía họ. Thế rồi bà cụ dừng lại nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười với họ nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lại lẳng lặng làm tiếp công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển. Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ: Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm nhặt những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "ồ, tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi!". Nghe xong câu chuyện, người chồng vội chạy ngay xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống... |
Ông luôn theo dõi các chương trình nhắn tin tìm đồng đội ...rồi ông cứ ghi ghi, chép chép... Mọi người cười: Ông chúng ta lẩm cẩm rồi.
Một hôm, ông bỗng nghẹn ngào.... "Thế là tao tìm được gia đình mày rồi". Hình như hôm ấy, ai cũng im lặng. Tác giả: Vũ Văn Tư |
Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
- Để cháu chan cho! Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn. Mẹ mắng: - Cứ đành hanh! Ông với tay chan. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài... Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người: - Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ. Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếng nhai! Tác giả: Quế Hương |
Hai người trên hoang đảo
Một chuyến tàu ngoài khơi gặp bão và bị đắm. Có hai người dạt đến một hoang đảo. Cả hai đã nhiều lần làm thuyền nhưng không lần nào thành công. Cuối cùng, họ đồng ý với nhau là cùng ngồi cầu nguyện. Mỗi người sẽ ở một nửa hòn đảo xem lời cầu nguyện của ai sẽ linh nghiệm. Đầu tiên, người thứ nhất cầu nguyện có được thức ăn. Sáng hôm sau, người thứ nhất tìm thấy một cây có nhiều quả rất ngon nên anh ta không còn phải lo lắng đi tìm thức ăn nữa. Ở phần bên kia hòn đảo, đất vẫn khô cằn và người thứ hai không tìm được gì cả. Hết một tuần, người thứ nhất cầu nguyện cho có bầu bạn. Chỉ sau một ngày, ở bên đảo của người thứ nhất có một chiếc tàu khác bị đắm và một người phụ nữ dạt vào. Hai người chuyện trò cho bớt cô đơn, còn ở phần bên kia hòn đảo, người thứ hai vẫn không có gì khác. Liên tục ngững ngày sau đó, người thứ nhất cầu nguyện được căn nhà, quần áo ấm và nhiều thức ăn hơn. Phép màu lại xảy ra. Những gì anh ta ước thường xuất hiện ngay vào buổi sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, vẫn không có gì khác xảy ra ở phần đảo của người đàn ông thứ hai. Cuối cùng, người thứ nhất và người phụ nữ - nay đã là vợ anh ta- cầu nguyện có một chiếc tàu. Sáng hôm sau, một chiếc tàu lớn xuất hiện trên bãi biển. Người thứ nhất dẫn vợ mình lên tàu và quyết định bỏ người thứ hai ở lại trên đảo. Anh ta nghĩ rằng người kia không đáng được nhận bất kì tứ gì anh ta có được từ những lời cầu nguyện riêng của anh ta. Khi chiếc tàu chuẩn bị rời bến, bỗng người thứ nhất nghe thấy có tiếng nói vang lên từ không trung: " Tại sao ngươi lại bỏ bạn mình?". Người thứ nhất thản nhiên cao giọng: "Tất cả mọi thứ đều do tôi cầu nguyện mà có. Anh ta chẳng cầu nguyện được gì cả nên anh ta không xứng đáng để đi cùng tôi." "Ngươi sai rồi" - giọng nói vang lên trách móc - " Từ đầu đến cuối, anh ta chỉ ước có một điều và ta đã thực hiện cho anh ta điều ước ấy". Người thứ nhất rất ngạc nhiên: " Hãy cho tôi biết anh ta đã ước gì vậy?" "Anh ta đã ước rằng những lời cầu nguyện của ngươi được biến thành sự thật!" (Abu sưu tầm) |
Ngư Phủ Hả Dạ
Một doanh nhân kinh ngạc khi thấy một ngư phủ nằm sóng soải bên cạnh chiếc tàu đánh cá, phì phà ống píp. Doanh nhân hỏi:" Tại sao ông không ra khơi đánh cá ?" - Bởi vì tôi đã đánh đủ cá cho ngày hôm nay rồi ! - Tại sao ông không đánh thêm nửa đi ? - Đánh thêm để làm gì ? - "Ông được nhiều tiền hơn. Rồi thì ông có thể trang bị một động cơ cho chiếc tàu của ông để có thể đi ra xa hơn ngoài khơi và đánh được nhiều cá hơn. Nhờ đó ông có thể kiếm thêm tiền mua nhiều lưới ni lông. Vì vậy ông sẽ có nhiều cá và nhiều tiền. Chẳng mấy chốc ông có thể dư tiền để mua hai chiếc tàu... và có thể cả một đoàn tàu đánh cá cũng nên. Rồi ra ông sẽ trở thành một người giàu có như tôi đây." - khi đó tôi sẽ làm gì nào ? - Ông có thể thực sự vui hưởng cuộc đời ! - Vậy ông tưởng bây giờ tôi đang làm gì đây? (Abu sưu tầm) |
Bố thường mắng con không chịu học bài.
Đi đón con, đường tắc, bố lấn sang đường ngược chiều, con thỏ thẻ: -Giống bài Hai con dê qua cầu trong sách quá! Bố giật mình đỏ mặt: -Ừ, có những bài học đơn giản nhưng người lớn cũng quên. ===================== Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thủy "Con nít hư khi chúng bắt đầu hiểu người lớn" |
Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé, người cha dừng lại đọc bảng giá:
"Người lớn: $10.00 Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00 Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí" Đọc xong, ông nói với người bán vé: - Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi. - Con ông trên 5 tuổi à? - Người bán vé tò mò hỏi lại. - Vâng. - Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi. - Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết. (sưu tầm) |
Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô. Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá. Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách. |
Lâu lâu mới gặp nhau, thấy bạn thần sắc kém. Lại nghe tin đám con cháu bỏ mặc. Hai vợ chồng già sống với nhau. Mà gia cảnh có đến nỗi nào. Hưu trí rồi. Con đi đằng con.
Bạn hỏi: "Giờ đứa nào ở với ông?" Thực là, mình sống với con út, con gái luôn về thăm. Thương bạn, đành nói dối: "Thì cũng như ông." Bạn thở dài: "Giờ vậy!" Đã toan nói: "Không hẳn ai cũng thế". Lại thôi. Im lặng. Rồi đứng dậy bắt tay nhau. (ST) |
LY CÀ PHÊ MUỐI
Chàng trai gặp cô gái ở một buổi tiệc. Cô rất xinh đẹp, quyến rũ và đến hơn nửa số người trong buổi tiệc đều để ý đến cô. Trong khi chàng trai chỉ là một người rất bình thường, không ai buồn nhìn tới. Cuối cùng, khi buổi tiệc gần kết thúc, chàng trai ngượng ngập mời cô gái uống cà phê với mình. Cô gái rất ngạc nhiên, nhưng vì lời mời quá lịch sự nên cô đồng ý. Họ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tiệc, nhưng chàng trai quá lo lắng, mãi không nói được lời nào, làm cho cô gái cũng cảm thấy bất tiện. Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ: - Xin cho tôi ít muối để tôi cho vào cà phê! Mọi người đứng xung quanh đều hết sức ngạc nhiên và nhìn chăm chăm vào chàng trai. Chàng trai đỏ mặt nhưng vẫn múc một thìa muối cho vào cốc cà phê và uống. Cô gái tò mò: - Sao anh có sở thích kỳ quặc thế? - Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần biển - Chàng trai giải thích - Khi chơi ở biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy! Nên bây giờ, mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tới tuổi thơ và quê hương của mình. Cô gái thực sự cảm động. Một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra thì chắc chắn sẽ yêu gia đình và có trách nhiệm với gia đình của mình. Nên cô gái bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn, về nơi cô sinh ra, về gia đình... Trước khi ra về, họ hẹn nhau một buổi gặp tiếp theo... Qua những lần gặp gỡ, cô gái thấy chàng trai quả là một người lý tưởng: rất tốt bụng, biết quan tâm... Và cô đã tìm được người đàn ông của mình nhờ cốc cà phê muối. Câu chuyện đến đây vẫn là có hậu vì "công chúa" đã tìm được "hoàng tử", và họ cưới nhau, sống hạnh phúc. Mỗi buổi sáng, cô gái đều pha cho chàng trai - nay đã là chồng cô - một cốc cà phê với một thìa muối. Và cô biết rằng chồng cô rất thích như vậy. Suốt 50 năm kể từ ngày họ cưới nhau, bao giờ người chồng cũng uống cốc cà phê muối và cảm ơn vợ đã pha cho mình cốc cà phê ngon đến thế. Sau 50 năm, người chồng bị bệnh và qua đời, để lại cho người vợ một bức thư: "Gửi vợ của anh, Xin em tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất - về cốc cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em uống cà phê không? Lúc đó, anh đã quá lo lắng, anh định hỏi xin ít đường nhưng anh lại nói nhầm thành muối. Anh cũng quá lúng túng nên không thể thay đổi được đành phải tiếp tục lấy muối cho vào cốc cà phê và bịa ra câu chuyện về tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em. Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Và anh đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ nói dối em một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu. Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, nên anh sẽ nói sự thật với em. Anh không thích cà phê muối, nhưng mỗi sáng được uống cốc cà phê muối từ ngày cưới em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải uống cả. Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như thế để có được em, và anh sẽ uống cà phê muối cả cuộc đời". Khi người vợ đọc xong lá thư cũng là khi lá thư trong tay bà ướt đẫm nước mắt. Nếu bạn hỏi người vợ rằng: "Cà phê muối có vị thế nào?", chắc chắn bà sẽ trả lời: "Ngọt lắm". (Abu-108 sưu tầm) |
ĐỊNH NGHĨA TỪ "FAMILY"
Tôi va phải một người lạ trên phố khi người này đi qua. “Ồ xin lỗi”, tôi nói. Người kia trả lời: “Cũng xin thứ lỗi cho tôi, tôi đã không nhìn cô”. Chúng tôi rất lịch sự với nhau. Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại khác. Tối nọ, lúc tôi đang nấu bếp thì cậu con trai đến đứng sau lưng. Tôi quay người và đụng vào thằng bé làm nó ngã chúi xuống sàn nhà. “Tránh xa chỗ khác!” - tôi cau mày nói. Con trai tôi bước đi, trái tim bé nhỏ của nó vỡ tan. Tôi đã không nhận ra là mình đã quá nóng nảy. Khi đã lên giường tôi nghe một giọng nói thì thầm: “Khi đối xử với người lạ con rất lịch sự, nhưng với con mình con đã không làm như vậy. Hãy đến tìm trên sàn nhà bếp, có những bông hoa đang nằm ở cửa. Đó là những bông hoa mà con trai con đã mang đến cho con. Tự nó hái lấy những bông hoa này: nào hoa hồng, màu vàng và cả màu xanh nữa. Nó đã yên lặng đứng đó để mang lại cho con điều ngạc nhiên, còn con thì không bao giờ thấy những giọt nước mắt đã chảy đẫm lên trái tim bé nhỏ của nó”. Lúc này thì tôi bật khóc. Tôi lặng lẽ đến bên giường con trai và quỳ xuống: “Dậy đi, con trai bé nhỏ, dậy đi. Có phải những bông hoa này con hái cho mẹ không?”. Thằng bé mỉm cười: “Con tìm thấy chúng ở trên cây kia. Con hái cho mẹ vì chúng đẹp như mẹ. Con biết là mẹ thích lắm, đặc biệt là bông hoa màu xanh”. Thế bạn có biết từ family có nghĩa là gì không? FAMILY = Father And Mother, I Love You! (Gia đình = Ba và mẹ, con yêu ba mẹ). (Abu-108 sưu tầm) |
Có một cô gái trẻ chuyển nhà mới, cô phát hiện hàng xóm nhà mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng. Một lát sau, có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm. Nó hồi hộp hỏi: - "Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?" Cô gái trẻ nghĩ: " Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!" Thế là cô gái xẵng giọng: - "Không có!" Đúng lúc cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo mỉm cười nói: - "Cháu biết ngay là nhà cô không có mà Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: - "Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm." (st) |
Bà mẹ nói chuyện với bà hàng xóm: Thằng Hai nhà tui nó dại lắm, lúc nào cũng nghe lời vợ, nó sợ vợ lắm, ngu ơi là ngu. Không bằng con út nhà tôi chỉ cần liếc mắt nhìn là chồng nó chạy mất dép.
- Hai bà cùng chắc lưỡi: Con với cái. ( nghe người khác kể) |
CÔ GÁI BÁN ĐĨA CD
Có một chàng trai bị bệnh ung thư. Chàng trai 19 tuổi, nhưng có thể chết bất kỳ lúc nào vì căn bệnh quái ác này. Suốt ngày, chàng trai phải nằm trong nhà, được sự chăm sóc cẩn thận đến nghiêm ngặt của bố mẹ. Do đó, chàng trai luôn mong ước được ra ngoài chơi, dù chỉ một lúc cũng được. Sau rất nhiều lần năn nỉ, bố mẹ cậu cũng đồng ý. Chàng trai đi dọc con phố - con phố nhà mình mà vô cùng mới mẻ - từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Khi đi qua một cửa hàng bán CD nhạc, chàng trai nhìn qua cửa kính và thấy một cô gái. Cô gái rất xinh đẹp với một nụ cười hiền lành - và chàng trai biết đó là 'tình yêu từ ánh mắt đầu tiên'. Chàng trai vào cửa hàng và lại gần cái bàn. nơi cô gái đang ngồi. Cô gái ngẩng lên hỏi: - Tôi có thể giúp gì được anh? - Cô gái mỉm cười và đó quả là nụ cười đẹp nhất mà chàng trai từng thấy. - Ơ.. - Chàng trai lúng túng - Tôi muốn mua một CD... Chàng trai chỉ bừa một cái CD trên giá rồi trả tiền. - Anh có cần tôi gói lại không - Cô gái hỏi, và lại mỉm cười. Khi chàng trai gật đầu, cô gái đem chiếc CD vào trong. Khi cô gái quay lại với chiếc CD đã được gói cẩn thận, chàng trai tần ngần cầm lấy và đi về. Từ hôm đó, ngày nào chàng trai cũng tới cửa hàng, mua một chiếc CD và cô gái bán hàng lại gói cho anh. Những chiếc CD đó, chàng trai đều đem về nhà và cất ngay vào tủ. anh rất ngại, không dám hỏi tên hay làm quen với cô gái. Nhưng cuối cùng, mẹ anh cũng phát hiện ra việc này và khuyên anh cứ nên làm quen với cô gái xinh đẹp kia. Ngày hôm sau, lấy hết can đảm, chàng trai lại đến cửa hàng bán CD. Rồi khi cô gái đem chiếc CD vào trong để gói, anh đã để một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của mình lên bàn. Rồi anh cầm chiếc CD đã được gói như tất cả mọi ngày - đem về. Vài ngày sau... ‘Reeeeng!...' Mẹ của chàng trai nhấc điện thoại: - Alô? Đầu dây bên kia là cô gái ở cửa hàng bán CD. Cô xin gặp chàng trai nhưng bà mẹ oà lên khóc. - Cháu không biết sao? Nó đã mất rồi...hôm qua. Im lặng một lúc. Cô gái xin lỗi, chia buồn rồi đặt máy. Chiều hôm ấy, bà mẹ vào phòng cậu con trai. Bà muốn sắp xếp lại quần áo của cậu nên đã mở cửa tủ. Bà sững người khi nhìn thây hàng chồng, hàng chồng CD được gói bọc cẩn thận chưa hề được mở ra. Bà mẹ rất ngạc nhiên nên cầm lên một chiếc mở thử ra. Bên trong hộp giấy bọc là một chiếc CD cùng với một mảnh giấy ghi ' Chào anh, anh dễ thương lắm- Jacelyn.' Bà mẹ mở thêm một chiếc CD nữa.Lại thêm một mảnh giấy ghi:' Chào anh, anh khỏe không? Mình làm bạn nhé? - Jacelyn.' Một chiếc CD nữa, một chiếc nữa... Trong mỗi chiếc là một mảnh giấy... Trong mỗi cử chỉ đều có thể tiềm ẩn một món quà. Giá như chúng ta đừng ngần ngại mở những món quà mà cuộc sống đem lại. -ST- |
LUÔN CHỜ EM CÚP MÁY TRƯỚC
Ngày ấy, khi cô gái và chàng trai đang yêu nhau thắm thiết. Mỗi lần gọi điện thoại, hai người chuyện trò tưởng chừng không bao giờ dứt. Cuối cuộc gọi, luôn là cô gái gác máy trước, sau khi đã cố nấn ná, không muốn nói lời tạm biệt, chàng trai lại từ từ cảm nhận hơi ấm còn vương lại của giọng nói trong không trung, và một nỗi buồn man mác, vấn vương, lưu luyến. Sau đó, hai người chia tay. Cô gái nhanh chóng có người yêu mới, một anh chàng đẹp trai, hào nhoáng. Cô gái thấy rất mãn nguyện, và cũng rất đắc ý. Nhưng rồi về sau, cô dần dần cảm thấy giữa hai người dường như thiêu thiếu một điều gì đó, sự bất an đó khiến cho cô thấy như có một sự mất mát mơ hồ. Là điều gì vậy nhỉ? Cô cũng không rõ nữa. Chỉ là khi hai người kết thúc cuộc gọi, cô gái cảm thấy khi mình chưa kịp nói xong một nửa câu "Hẹn gặp lại", thì đầu dây bên kia đã vang lên tiếng "cạch" cúp máy. Mỗi lúc như vậy, cô luôn thấy cái âm thanh chói tai đó như đóng băng lại trong không trung, rồi xuyên vào trong màng nhĩ. Cô cảm thấy dường như người bạn trai mới giống như một cánh diều đứt dây, đôi tay yếu ớt của mình sẽ không thể níu giữ được sợi dây vô vọng đó. Rồi cũng đến một ngày, hai người cãi nhau. Anh chàng đó chán nản, quay người bỏ đi. Cô gái không khóc, mà cảm thấy như là được giải thoát. Một hôm, cô gái chợt nhớ đến người yêu đầu tiên, bỗng thấy bùi ngùi: Chàng "ngốc" đợi nghe cô nói xong câu "Tạm biệt". Cảm xúc đó khiến cô nhấc máy. Giọng của chàng trai vẫn chân chất, bình thản như xưa. Cô gái thì chẳng thốt lên lời, luống cuống nói "Tạm biệt" Lần này cô không gác máy, một xúc cảm khó gọi thành tên khiến cô im lặng lắng nghe sự tĩnh lặng của đầu dây bên kia. Chẳng biết bao lâu sau đó, đầu dây bên kia vọng đến tiếng của chàng trai, "Sao em không cúp máy?" Tiếng của cô gái như khản lại, " Tại sao lại muốn em cúp máy trước?". "Quen rồi". Chàng trai bình tĩnh nói, "Anh muốn em cúp máy trước, như vậy anh mới yên tâm". "Nhưng người cúp máy sau, thường cảm thấy nuối tiếc, như vừa để tuột mất một điều gì." Cô gái hơi run run giọng. "Vì vậy, anh thà nhận sự mất mát đó, chỉ cần em vui là đủ." Cô gái không kìm nổi mình, bật khóc, những giọt nước mắt nóng hổi thấm đẫm cả vùng kí ức tình yêu thuở nào. Cuối cùng, cô cũng hiểu ra rằng, người không đủ kiên nhẫn để nghe cô nói hết câu cuối cùng, không phải là người mà cả đời này cô mong đợi. Hoá ra, tình yêu đôi khi thật giản đơn, chỉ một chút đợi chờ, đã có thể nói lên tất cả. -ST- |
KHI TRÁI TIM ĐÃ DÀNH CHO MỘT NGƯỜI
Tôi và Lâm chia tay rồi ! Lâm là một cô gái tốt, rất đẹp cũng rất dụi dàng. Tuy rất nhiều bạn bè nói tôi bỏ cô ấy là ngốc, nhưng tôi vẫn chia tay, cho dù tôi cũng không nỡ. Ngày thứ nhất : Cô ấy không chịu dậy, lấy chăn chùm kín người, trong ký túc xá không ai dám an ủi cô ấy. Cô ấy hôm nay không ăn cơm, đánh răng rửa mặt cũng không làm. Buổi tối, lúc đi ngủ, tôi nghe thấy cô ấy khóc ở trong chăn. Ngày thứ hai : Hôm nay cô ấy đã ăn cơm, là bạn trong ký túc xá làm cho cô ấy ăn, quầng mắt cô ấy đỏ ngầu. Tôi luôn nói cô ấy là con ma thích khóc nhè, mỗi lần mở miệng cô ấy đều phủ nhận. Ngày thứ ba : Hôm nay cô ấy mặc một bộ quần áo rất diêm dúa, đi vào một quán bar và uống rất nhiều rượu, hơn nữa còn dùng ánh mắt hút hồn đảo quanh một lượt khiến rất nhiều người phải thốt lên " cô gái, cô rất đẹp". Cô ấy uống rất nhiều, đến lúc có một người đàn ông đáng tuổi cha nói với cô ấy " Cô gái, anh đưa em về nhà nhé" cô ấy cầm chén rượu trong tay hất tất cả vào mặt ông ta. Cái thằng cha đáng chết dơ tay lên định đánh , đám phục vụ liền chạy đến cứu Lâm. Tôi biết tất cả, tôi đang ở một góc khuất của quán bar theo dõi. Ngày thứ tư : hôm nay cô ấy dậy rất sớm, tất bật cả một buổi sáng, sau đó vào nhà tắm rất lâu, lúc các bạn cùng phòng đẩy cửa vào đều kinh ngạc kêu lên : Sạch sẽ thế. Ngày thứ năm : Cô ấy đã đi học lại, thật ra cô ấy học rất giỏi, nhưng từ khi bị tôi ảnh hưởng thành tích cô ấy có kém đi chút ít. Thế cũng tốt, thay đổi sự chú ý đi một chút thì hồi phục cũng nhanh hơn. Ba tháng sau .... Cô ấy làm chủ tịch hội sinh viên, cô ấy càng ngày càng giỏi, cũng sáng sủa ra không ít, cũng sắp thi rồi. Một năm sau ... Bên cạnh cô ấy có rất nhiều đàn ông, nhiều người đẹp trai hơn tôi, nhưng căn bản cô ấy không để ý tới. Cô ấy và Lượng quan hệ rất tốt, truyện bọn họ trong vườn trường rất đáng ngờ. Cô ấy chỉ coi Lượng là anh, thế nhưng lời nói ra thì không giữ được lâu. Ba năm sau ... Cô ấy sắp kết hôn rồi, chú rể là Lượng. Cô ấy đang ngồi viết thiếp mời, một cái, hai cái, ba cái ... viết đến cái thứ mười hai thì cô ấy khóc, gục xuống bàn, nước mắt rơi mà không thể dừng lại. Tôi từ trên nhìn thử, tên chú rể trên tất cả thiếp mời đều là tên của tôi. Tôi cũng rất muốn khóc, nhưng hồn ma thì không thể khóc, tôi không có nước mắt. Ba năm trước : Tôi đang đi trên đường thì gặp tai nạn, trên tay cầm chiếc bánh ga tô mua tặng sinh nhật cho Lâm. -ST- |
“Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.
Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được. Cho nhiêu cũng được! (ST) P/s : Mình không thích nghe câu này |
Em cũng ghét nghe câu này, nhất là lúc gửi xe. Lúc nào cũng phải đưa nhiều hơn số tiền lẽ ra phải đưa, vì đưa ít hơn thấy kỳ kỳ. Đưa nhiều hơn thì họ đâu có thối.
Thích cái gì cũng rõ ràng cho dễ xử hehe |
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 07:58 AM. |
Powered by: vBulletin v3.x.x
Copyright ©2000-2025, Jelsoft Enterprises Ltd.