Cuối Thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, trước sự nhượng bộ của triều đình Huế khi đó, chúng dần dần chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (cũ), rồi chiếm toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh, … Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, đất Định Tường xưa đã là một cái nôi kháng chiến chống Pháp, với nhiều tên tuổi lẫy lừng lưu danh sử sách. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định. Vào một dịp khác thuận lợi, sẽ viết về cụ Trương Định, giờ hãy nói về một nhân vật khác cũng rất nổi tiếng - một người con của đất Định Tường - Tiền Giang : Anh hùng dân tộc - Thủ khoa Huân . Khác với Trương Định, Thủ khoa Huân xuất thân là một trí thức yêu nước, ba lần khởi nghĩa đánh Tây, ba lần thất bại, từng bị đi đày biệt xứ nhiều năm, và cuỗi cùng đã hy sinh ngay trên mảng đất quê hương.
Thủ khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm 1830 ở thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường cũ, nay thuộc xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Thuở nhỏ nổi tiếng học giỏi, năm 1852, cụ đậu Thủ khoa kỳ thi Hương dưới triều vua Tự Đức (nên từ đó về sau thường được gọi là Thủ khoa Huân), và được bổ làm Giáo thụ phủ Kiến An (chức trông coi việc học).
Năm 1858, giặc Pháp nổ súng xâm lược nước ta, và xâm chiếm Nam bộ, cụ từ bỏ chức Giáo thụ, từ biệt gia đình, liên kết với các sĩ phu yêu nước khác, chiêu mộ nghĩa binh chống giặc. Đến năm 1861, nghĩa quân hoạt động trên địa bàn từ Tân An đến Mỹ Tho, gây nhiều thiệt hại cho địch. Đầu năm 1862, chúng tổ chức đánh úp, bắt được Thủ khoa Huân, giải về Sài Gòn. Nhưng nhân lúc giặc sơ hở, cụ đã trốn thoát về vùng kháng chiến.
Cũng năm 1862 (Nhâm Tuất) triều đình Huế đã ký kết Hòa ước Nhâm Tuất, nhượng ba tỉnh Đông Nam bộ cũ (trong đó có Định Tường) cho Pháp.
Đầu năm 1863, Thủ khoa Huân cùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) chiêu mộ nghĩa binh khởi nghĩa lần thứ hai. Hai người đã liên kết với Trương Định, hình thành một mặt trận chống Pháp trải dài từ Gò Công đến Thuộc Nhiêu(Cai Lậy) và Đồng Tháp Mười. Sau khi Trương Định tử tiết ở Gò Công, căn cứ Thuộc Nhiêu bị địch bao vây càn quét, Thủ khoa Huân và Thiên Hộ Dương rút về hoạt động tại An Giang (khi đó vẫn thuộc triều đình Huế). Giặc Pháp rất lo ngại, bèn gửi tối hậu thư, đòi viên quan đầu tỉnh An Giang lúc đó là Phan Khắc Thân phải giao nộp hai người, vin vào việc hai cụ vi phạm Hòa ước Nhâm Tuất. Sau đó Thiên Hộ Dương thoát về Đồng Tháp Mười tiếp tục kháng chiến, còn Thủ khoa Huân bị bắt ở An Giang. Án sát Phạm Hoàng Đạo hay tin, tâu lên vua Tự Đức, xin đưa ngay Thủ khoa Huân về Huế. Thế nhưng do áp lực của người Pháp, tháng 7 năm 1864, Tổng đốc Thân đã phớt lờ lệnh vua, bắt ông giao nộp cho thực dân.
Vợ Thủ khoa Huân là bà Lê Thị Lộc đã làm đơn kiện viên quan đầu tỉnh An Giang về việc đã không tuân theo chiếu chỉ, đồng thời đòi Pháp phải thả ngay chồng mình. Ở Sài Gòn, dù Pháp đem mọi thứ ra dụ dỗ nhưng ông vẫn kiên quyết chối từ. Nghe chuyện bà Lộc kiện viên quan đầu tỉnh An Giang và đòi Pháp trả chồng, Thủ khoa Huân đã làm một bài thơ :
Xem qua thư gửi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
Cang thường càng chuộng gánh giang san.
Cuối cùng, vào ngày 22 tháng 8 năm 1864, cụ bị kết án 10 năm tù khổ sai và bị đày đi Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ. về việc này, một số tài liệu, ngay cả trang web của tỉnh Tiền Giang lại nói rằng, cụ Thủ khoa Huân bị Pháp đày đi Reúnion thuộc châu Phi (là nơi sau này vua Thành Thái, vua Duy Tân cũng bị đi đày), nhưng việc cụ bị đi đày ở Cayenne thuộc Guyan ở Nam Mỹ có các tài liệu xưa ghi lại cụ thể.
Sau gần 5 năm tù, ngày 4 tháng 2 năm 1869, Pháp cho lệnh ân xá và đưa cụ về quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, đồng thời cử cụ làm giáo thọ dạy bảo "sinh đồ" ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo cụ về phía họ, nhưng không thành.
Năm 1873, Thủ khoa Huân bí mật trốn về Mỹ Tho, cùng Âu Dương Lân chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa lần thứ ba, hoạt động kéo dài từ Mỹ Tho đến Mỹ Qúy – Cai Lậy. Lần này dân chúng đi theo cụ rất đông. Đầu năm 1875, thua trận ở Bình Cách, Thủ khoa Huân cùng tùy tùng là Đốc binh Hương về Chợ Gạo, dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Nhưng đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc, đã dẫn quân bắt Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo ngày 15 tháng 05 năm 1875, rồi đem giam tại Mỹ Tho. Sau mấy ngày tìm đủ mọi cách dụ dỗ không được, ngày 19/5/1875 (nhằm ngày 14/4 âm lịch) thực dân Pháp đã kết án tử hình, và xử trảm Thủ khoa Huân ngay tại mảnh đất quê hương của cụ.
Tấm gương yêu nước, bất khuất trước kẻ thù của Thủ khoa Huân mãi mãi còn lưu dấu trong sủ sách, nhân dân nhớ ơn, và tôn thờ cụ như một vị thần bảo trợ cho quê hương.
__________________
Gác kiếm
|