“Nhưng khuyến nghị chuẩn tăng trưởng của WHO dựa trên nghiên cứu tăng trưởng của trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, được ăn bổ sung và chăm sóc tốt của trẻ từ 0 - 5 tuổi ở nhiều quốc gia”, GS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa VN cho biết.
Biểu đồ mới này sẽ thay thế cho biểu đồ cũ mà các nhà nghiên cứu cho là lỗi thời và chỉ hợp với những trẻ bú bình hoàn toàn.
Bảng chuẩn tăng trưởng của trẻ em trên toàn thế giới (áp dụng cho cả trẻ em Việt Nam)
Độ tuổi
STT | Độ tuổi | Giới tính | Cân nặng | Chiều cao |
| Trẻ vừa sinh ra | Bé trai | 3,3kg | 49,9cm |
| | Bé gái | 3,2kg | 49,1cm |
| 6 tháng tuổi | Bé trai | 7,9kg | 67,6cm |
| | Bé gái | 7,3kg | 65,7cm |
| 12 tháng tuổi | Bé trai | 9,6kg | 75,7cm |
| | Bé gái | 8,9kg | 74cm |
| 18 tháng tuổi | Bé trai | 10,9kg | 82,3cm |
| | Bé gái | 10,2kg | 80,7cm |
| 24 tháng tuổi | Bé trai | 12,2kg | 87,8cm |
| | Bé gái | 11,5kg | 86,4cm |
| 36 tháng tuổi | Bé trai | 14,3kg | 96,1cm |
| | Bé gái | 13,9kg | 95,1cm |
| 42 tháng tuổi | Bé trai | 15,3kg | 99,9cm |
| | Bé gái | 15kg | 99cm |
| 48 tháng tuổi | Bé trai | 16,3kg | 103,3cm |
| | Bé gái | 16,1kg | 102,7cm |
| 54 tháng tuổi | Bé trai | 17,3kg | 106,3cm |
| | Bé gái | 17,2kg | 106,2cm |
| 60 tháng tuổi | Bé trai | 18,3kg | 110 cm |
| | Bé gái | 18,2kg | 109,4cm |
Thông tin trên được Hội Nhi khoa Việt Nam công bố tại buổi họp báo về khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em VN và chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) tổ chức ngày 13/11, tại Hà Nội.
Theo GS Nhạn, hiện nay một bộ phận trẻ em Việt Nam đã đạt được mức chuẩn tăng trưởng này. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ trẻ em (chủ yếu ở khu vực nông thôn) vẫn nằm trong diện còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu chất như: dầu, mỡ, vitamin các loại. Nếu những đứa trẻ không được sớm bổ sung dinh dưỡng sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng thấp bé, nhẹ cân khi trưởng thành, ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi.
Cùng đó, GS. NGuyễn Công Khanh, Phó chủ Chủ tịch Hội Nhi khoa VN lại cảnh báo về một bộ phận trẻ em thành phố lại ăn quá thừa dinh dưỡng do ăn nhiều thịt, chất béo. Hiện tình trạng béo phì ở trẻ em Hà Nội là 7,9% và TPHCM là 22,7%.
ST - Việt Báo
Một Biểu đồ tăng trưởng của Who nữa đây
Những điều cần biết về biểu đồ tăng trưởng trẻ em của tổ chức thế giới
Theo dõi sự tăng trưởng của trẻ là quá trình tiến hành cân và đo chiều cao của trẻ dưới 5 tuổi và sử dụng biểu đồ tăng trưởng của trẻ em để đánh giá xem trẻ phát triển bình thường hay không. Quá trình theo dõi sự phát triển này được tiến hành khi trẻ mới sinh cho đến 5 tuổi.
1. Tại sao chúng ta phải theo dõi sự tăng trưởng của trẻ em?
Một đứa trẻ được coi là phát triển bình thường thì phải tăng cân và chiều cao đều đặn. Nếu chúng ta theo dõi cân nặng và chiều cao hàng tháng cùng với việc sử dụng biểu đồ tăng trưởng (BĐTT) trẻ em chúng ta sẽ biết được đứa trẻ đó có phát triển bình thường hay không? Từ trước đến nay các bậc cha mẹ hoặc người thân của trẻ thường có thói quen nhận xét về con mình như: tháng này thằng bé (con bé) trông khá hơn tháng trước… nhưng gầy hay béo cụ thể như thế nào thì họ hoàn toàn không biết. Có nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ không ho, sốt, bỏ ăn… là khỏe mặc dù trên thực tế trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD). Chính vì vậy việc giúp cho các bậc cha mẹ và người thân của trẻ hiểu rằng SDD cũng là một bệnh và từ SDD sẽ dẫn đến nhiều bệnh khác là điều hết sức quan trọng. Để phát hiện xem trẻ có bị SDD hay không và từ đó gia đình có những biện pháp kịp thời khắc phục tình trạng trên cần phải tiến hành cân trẻ và sử dụng BĐTT trẻ em.
2. Biểu đồ tăng trưởng trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới
Có hai loại biểu đồ theo dõi cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi. Để tiến hành chấm BĐTT trẻ em chúng ta phải tiến hành cân, đo trẻ. Cha mẹ của trẻ hoặc người chăm sóc trẻ hàng tháng nên đưa trẻ đến trạm y tế địa phương để được cân, đo trẻ và chấm biểu đồ tăng trưởng. Cân trẻ bằng cân điện tử hoặc cân bàn có đồng hồ loại dưới 30 kg (đọc kết quả đo với độ chính xác 0,1 kg, ví dụ: 7,9 kg). Đo chiều dài nằm nếu trẻ dưới 25 tháng tuổi và chiều cao đứng nếu trẻ từ 25 tháng trở lên cho đến 5 tuổi theo các loại thước đo qui định (đọc kết quả đo với độ chính xác 0,1 cm, ví dụ: 83,5 cm). BĐTT bao gồm các thành phần sau:
a. Hai mặt của biểu đồ:
BĐTT bao gồm hai loại biểu đồ trên cả hai mặt: Biểu đồ cân nặng theo tuổi và biểu đồ chiều dài nằm/chiều cao đứng theo tuổi.
b. Các đường tăng trưởng của quần thể tham khảo:
Có 5 loại đường sau được sử dụng trong biểu đồ:
- Đường 0 (trung bình): màu xanh lá cây
- Đường -2: màu đỏ
- Đường -3: màu đen
- Đường +2: màu đỏ
- Đường +3: màu đen
c. Các kênh tăng trưởng
Phần của biểu đồ được giới hạn các đường tăng trưởng được mô tả ở trên được gọi là kênh tăng trưởng.
- Kênh được giới hạn bởi đường -2 và +2 được gọi là kênh “bình thường”.
- Kênh được giới hạn đường -2 và -3 được gọi là kênh “dưới -2”.
- Kênh nằm dưới đường -3 được gọi là kênh “dưới -3”.
- Kênh được giới hạn đường +2 và +3 được gọi là kênh “trên +2”.
- Kênh nằm trên đường +3 được gọi là kênh “trên +3”.
3. Sử dụng BĐTT để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ
- BĐTT là các đồ thị theo dõi sự phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ từ 0 cho đến 5 tuổi.
- Mỗi trẻ dưới 5 tuổi có một BĐTT riêng, BĐTT do bà mẹ và các thành viên trong gia đình cất giữ cẩn thận bởi vì BĐTT được coi như một công cụ tốt nhất để theo dõi sức khỏe của trẻ và việc thường xuyên cân trẻ em. BĐTT sẽ giúp cho các bà mẹ theo dõi một cách liên tục sự phát triển của con mình.
* Khi sử dụng BĐTT cân nặng theo tuổi
- Nếu một đứa trẻ ở “kênh bình thường” và đường tăng trưởng của trẻ có hướng đi lên, nghĩa là trẻ phát triển tốt. Chúng ta cần tiếp tục chăm sóc cho trẻ.
- Nếu trẻ ở kênh “dưới -2” hoặc kênh “dưới -3” thì trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tham vấn và xử trí.
- Nếu trẻ ở kênh “dưới -2”, nhưng đường tăng trưởng của trẻ đi lên thì trẻ đang phát triển tốt, cần duy trì chăm sóc trẻ như hiện tại.
- Nếu trẻ ở kênh “trên +2” thì trẻ lên cân tốt nhưng cần xem lại chế độ dinh dưỡng hiện tại vì trẻ có thể dẫn đến thừa cân, béo phì.
- Nếu trẻ ở kênh “trên +3” thì trẻ có khả năng bị béo phì và nên đưa trẻ đến các chuyên khoa dinh dưỡng để được chẩn đoán và xử trí thích hợp.
* Khi sử dụng BĐTT chiều cao theo tuổi
Nếu một đứa trẻ ở kênh “bình thường” và đường tăng trưởng của trẻ có hướng đi lên, nghĩa là trẻ phát triển tốt. Bà mẹ cần tiếp tục chăm sóc cho trẻ.
Nếu trẻ ở kênh “dưới -2” thì cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ và tìm nguyên nhân như: trẻ thấp còi có thể do cha mẹ cũng thấp còi trong khi vẫn có đủ dinh dưỡng khi nhỏ; trẻ thấp còi nhưng lại phát triển nhanh chiều cao vào độ tuổi vị thành niên; trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài; trẻ bị mắc bệnh mạn tính hoặc rối loạn về gen liên quan đến phát triển.
BS. Huỳnh Thảo Trường
PGĐ - Trung tâm CSSKSS tỉnh An Giang