Ðề tài: Chuyện bản em
Xem bài viết đơn
  #9  
Cũ 23-08-2011, 02:07 PM
HP_Rolls Royce's Avatar
HP_Rolls Royce HP_Rolls Royce vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Member
Tìm tài liệu độ xe
 
Tham gia ngày: Aug 2011
Đến từ: Sân ga 3 số 2
Bài gởi: 89
Thanks: 325
Thanked 413 Times in 68 Posts
Biến số xe: Không ghi
Mặc định Tập 4. Ra tòa

Tập 4
Ra tòa


Mấy hôm nay dân bản ai cũng xôn xao vụ một vài gia đình trong bản bị kiện. Việc dân bản xôn xao và kháo nhau khắp làng sự kiện này cũng dễ hiểu thôi vì bấy lâu nay bản làng sống trong yên bình chỉ làm nương, nuôi gà, nuôi lợn chứ có hãm hại ai đâu mà bị ra tòa. Chủ tịch xã biết tin vừa ngạc nhiên vừa bối rối mà cũng lo lắng. Bất chấp đường núi xa xôi, chủ tịch ngay lập tức chạy lên bản làng để tìm hiểu nguyên nhân.

Già làng tiếp chủ tịch xã với tâm trạng lo âu lắm. Dân bản xưa nay ai cũng ăn ở hiền lành, đến cả ăn trộm con gà củ khoai của nhau còn không có thì làm chi đến nỗi mà bị thưa ra tòa án. Do đó, già làng nhìn chủ tịch xã lo lắng hỏi:
- Chủ tịch ơi, dân bản của già biết làm sao đây?
- Già làng bình tĩnh để tôi hỏi mấy gia đình đó xem sao đã. – Chủ tịch đáp.

Chủ tịch ngồi trò chuyện một hồi với mấy chủ hộ thì mới biết họ bị tòa mời lên không phải là do ăn trộm gà, giết người hay cướp của gì mà lý do là do mấy hộ gia đình này nợ tiền điện thoại.

Chuyện nợ tiền điện thoại thì âu cũng là lẽ thường ở miền xuôi nhưng ở bản làng vùng núi thì nó lại là chuyện lớn. Thậm chí, chuyện trở nên nghiêm trọng và gây không ít lo lắng cho dân bản vì không những họ bị đòi nợ mà còn bị thưa ra tòa. Gì chứ ra tòa là sợ lắm! - Dân bản co rúm người lại khi nghĩ tới cảnh phải đi ra tòa.

Ở bản làng này, dân bản quanh năm chỉ biết làm nương, chăn lợn, nuôi gà. Cuộc sống chỉ gói gọn trong bản làng cùng với trồng trọt và chăn nuôi. Vùng núi bao quanh sương phủ mây che gần như tách biệt với cuộc sống hiện đại nơi phố thị. Ở đó, con người và đất trời hòa với nhau làm một. Thông tin liên lạc ở vùng núi cao này gần như hạn chế hoàn toàn với dân miền xuôi. Vì vậy mà hàng tuần, dân bản lại tập trung ở sân làng để giao lưu với nhau hoặc lâu lâu già làng triệu tập toàn bản làng để nghe thông báo hoặc chủ trương chính sách của chính quyền. Nói ngắn gọn, ở trên núi thì dân bản chẳng biết ất giáp gì và kênh thông tin duy nhất mà dân bản có là nhờ vào già làng và chủ tịch xã.

Vì lý do đó mà vào một ngày, có vài nhân viên kinh doanh của VNPT đến với bản làng và mời dân bản lắp điện thoại cố định. Thời buổi hiện giờ, chuyện lắp đặt điện thoại âu cũng là chuyện bình thường. Vốn dĩ, điện thoại là công cụ liên lạc và nhờ vào điện thoại thì dân bản dễ dàng thông tin với nhau hơn. Chứ nhà ai cũng cách nhau cả mấy vườn ngô thì mỗi lần có chuyện chi là phải chạy vật vã cả mấy trăm mét mới thấy được mặt kể ra cũng bất tiện. Vì thế, có điện thoại rồi thì dân bản không cần phải chạy mấy trăm mét qua mấy nương ngô mà chỉ cần nhắc máy và alô…

Chính vì tiện ích của điện thoại trong việc thông tin liên lạc nên khi nghe các nhân viên kinh doanh của VNPT mời chào lắp điện thoại cố định mà nhiều hộ gia đình trong bản gật đầu cái rụp mà chưa biết lắp rồi có xài không. Thêm nữa, những khuyến mãi hấp dẫn càng làm dân bản thêm háo hức khi quyết định lắp đặt điện thoại. Do vậy mà có người không biết chữ để ký tên nhưng cũng sẵn sàng điểm chỉ vào bản hợp đồng mà không ngờ rằng nó chính là căn cứ khiến họ bị kiện và tình ngay lý gian trở thành người thua kiện.

Thế là khi có điện thoại, nhà này gọi nhà kia chỉ để thông báo rằng: "Nhà tôi vừa lắp điện thoại đấy, có gì gọi số này nhé!" và cũng không biết có gọi thêm lần nào nữa không. Bởi vốn dĩ một ngày của dân bản theo vòng tròn sáng ra nương - trưa ăn khoai - chiều lại làm nương - tối về ăn ngủ và ngày hôm sau cũng hệt thế. Chả lẽ gọi điện cho nhau chỉ để nói thế thôi thì gọi làm gì. Thế là những máy điện thoại - một phát minh phải nói là gần như vĩ đại của A-lết-xăng-đơ Gờ-ra-ham Beo, một thứ đã giúp con người trên thế giới xích gần với nhau hơn trở thành đồ chơi cho trẻ con trong bản.

Cơ mà trở thành đồ chơi thôi cũng đỡ. Đằng này, không biết chuyện gì xảy ra mà tòa án gửi giấy triệu tập đến cho vài hộ dân trong bản. Nhìn số tiền nợ mà dân bản giật cả mình. Những hơn 2 3 triệu tiền cước phí. Dân miền xuôi xài điện thoại một tháng trên 2 3 triệu còn thấy nhiều nói chi dân bản. Hai ba triệu tiền điện thoại là phải nói nhiều lắm, nói có tới hai ba tiếng một ngày thì mới ra được con số đó. Còn dân bản suốt ngày làm nương thì đào đâu ra ngần ấy thời gian nói điện thoại?

Nhiều hộ dân có đông con ngày ngày trông vào mảnh nương vườn ngô thì quả thật số tiền ấy thật sự là một cú sốc và không biết làm sao mà tiền điện thoại đắt đến thế. Có gia đình phải bán gà, bán ngô, bán cả lợn đang lớn để trả nợ tiền điện thoại. Những gia đình không trả được nợ thì bị kiện và giờ đây đang ngồi nhìn chủ tịch xã và già làng cầu cứu.

Chủ tịch xã và già làng buồn bã nhìn đôi mắt dân bản đầy lo lắng vì ngày mai, họ ra tòa vì nợ tiền cước điện thoại. Những sợi dây cáp điện thoại treo lủng lẳng như món nợ cũng đang lủng lẳng trên đầu dân bản. Chung quanh nhà, đàn gà và đàn lợn nằm im thin thít vì chúng biết ngày mai sẽ bị chủ nhân bán đi để trả nợ.

Cái nghèo trong bản vẫn còn vì thành tích doanh số của VNPT. Nhân viên thì báo cáo thành tích dài cả trang A4 và lãnh đạo thì ngồi cười gật gù vì cuối năm có thành tích báo cáo cấp trên. Không những thế mà còn được tặng bằng khen và tiền thưởng do có công đưa thông tin liên lạc đến với vùng cao. Một cách công bằng mà nói rằng, nhân viên VNPT vẫn là những người có công rất lớn vì họ đã giúp dân bản xóa tan khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, giữa miền xuôi với miền ngược và thậm chí là giữa dân bản với nhau. Tuy nhiên, những gì mà nhân viên VNPT cố gắng để xóa nhòa khoảng cách núi rừng giờ như con gà con lợn ngày mai đem bán. Cuộc sống của dân bản trước khi có điện thoại và sau khi có điện thoại cũng hệt thế, thậm chí sau khi có điện thoại còn tệ hơn.

HP_Rolls Royce
Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following 5 Users Say Thank You to HP_Rolls Royce For This Useful Post:
LEMOTO (23-08-2011), jimmy nguyen (23-08-2011), pechi (23-08-2011), simba (23-08-2011), womandalat (15-09-2011)