Đầu tuần đọc tin thấy có bài này coi có vẻ hấp dẫn để mọi người khởi đầu tuần mới với những món ngon, bổ, rẻ

Chúc cả nhà tuần mới làm việc hiệu quả !
(TNTT>) Ăn ngon trong hẻm không chỉ vì giá rẻ mà còn giúp thực khách thư giãn, lắng đọng, háo hức nhiều hơn.
Ă n trong hẻm cũng là một kiểu ăn rong, có khi giúp thực khách phát hiện một hiện tượng hay nét mới của Sài Gòn năng động hoặc cần mẫn.
Dần dà, việc săn... món ngon trong hẻm trở thành cái thú của những người đam mê nghệ thuật ẩm thực.
Hủ tiếu... “sư phụ”
Từ mười giờ đêm hôm trước, chúng tôi cùng một số anh em khác trong “hội thích... ăn rong” đã nhận được tin nhắn của "hội trưởng": “7g sáng mai ăn sáng ở hủ tiếu... sư phụ!”. Vậy là trước 6g sáng, cả bọn đã dắt xe ra khỏi cổng, cố sức luồn lách. Có người làu bàu "đi ăn mất tiền mà giống như bị trời hành không bằng".
Thiệt oan! Đó là một quán hủ tiếu dê khá bình dân, nằm trong một con hẻm nhỏ ở đường Hàn Hải Nguyên, quận 11, TP. HCM. Cách quán hơn 100m, đã thấy người ra kẻ vào tấp nập. Thịt dê ở đây rất tươi, ngọt thanh đặc trưng không lẫn vào đâu được, giá khoảng 17.000 - 20.000 đồng/tô. Mùi hôi khó chịu của “sư phụ” đã bị đầu bếp người Hoa ở đây triệt tiêu từ khâu sơ chế.
Người chạy bàn ở quán người Hoa có tài đúc kết những yêu cầu của thực khách thành những lời nhạc, rồi ngân nga nghe ngồ ngộ, vui tai: “Mắt hai mươi, lưỡi mười tám...”. Thì ra những người sành ăn vào đây thường kêu thêm một tô mắt hoặc lưỡi “sư phụ” với giá từ 18.000 - 20.000 đồng. Nhưng quá 8g30, những món độc này sẽ hết.
Những món này được nấu với một loại cà-ri đặc chế, chấm với sa-tế cay dịu và thơm ngát sả bằm. Rau ăn kèm có tía tô, húng quế... Tất cả cùng dìu dắt nhau lên tận đỉnh khoái.
Anh bạn ở Gò Vấp, một tuần vẫn “lặn lội” đến đây ăn ba lần. Trong đó, mỗi lần anh thường “bắt” một tô hủ tiếu sợi mềm rước ba bốn tô, chén: mắt, mũi, lưỡi, óc. Anh thường nói đùa: thăm “sư phụ” phải đủ bộ thì mới được... “phò”! Có hôm anh mua về một bịch lớn, hơn trăm nghìn, bỏ vào tủ lạnh cơ quan, chiều mang đến quán quen, cụng ly chia sẻ cùng tri âm.
Chán cơm thèm cháo
Đến cữ trưa, nhằm hôm không ít người trong nhóm chúng tôi ngán cơm, ê phở, chỉ thèm cháo lòng. Vậy là cả bọn hẹn nhau “đi tắt đón đầu”, nhắm hướng kênh Nhiêu Lộc, quận 3 thẳng tiến. Ở đó có quán cháo lòng Cường, mới mọc khoảng nửa năm nay, nằm khuất sau siêu thị Co.opMart. Cháo ở đây được nấu theo kiểu Bắc, lôi cuốn không ít dân sành điệu.
Ấn tượng nhất là miếng thịt và lòng heo luộc ở đây, vừa ngọt vừa béo lẫn giòn. Và muỗng cháo nóng hổi, bột cháo sánh nhừ thoảng thơm hương gạo nếp. Vị cháo ngọt thanh, được dung hòa từ nước luộc thịt heo tươi và nước hầm xương ống và xương đầu heo.
Được biết, nguyên liệu tươi được đầu bếp ở đây khử tanh bằng dung dịch muối cùng nước cốt chanh. Nước luộc phải được gia ít củ hành tím thái mỏng, gừng đập giập và nước mắm ngon, để khử tanh tiếp và giúp dậy mùi thơm cho nguyên liệu.
Theo anh Cường, đầu bếp kiêm chủ quán này, để thịt và lòng giòn, ngọt tự nhiên phải tuân lời dạy của các cụ: luộc ba sôi hai lạnh. Cụ thể như sau, bạn canh nguyên liệu luộc vừa chín tới thì vớt ra ngay, rồi cho vào thùng nước đá ngâm khoảng 10 -15 phút. Vớt chúng ra, để ráo. Rồi ngâm chúng lại vào nồi luộc đang sôi, cũng khoảng 10 phút nữa rồi vớt ra. Lại cho chúng vào thùng nước đá ngâm tiếp khoảng 15 phút, vớt ra. Khi nào ăn bạn trụng chúng vào nồi cháo sôi rồi vớt ra, thái miếng vừa gắp.
Món dồi ở quán này được chế biến công phu không kém. Ngoài huyết, củ hành tím, còn phải hội đủ ít mỡ chài, mỡ phèo loại hai, mỡ thường. Mỗi loại mỡ có một "tiện ích" riêng. Mỡ chài thơm, béo thanh và không gây ngậy. Mỡ phèo loại hai thì giòn, ít béo hơn, ít teo khi qua luộc, nướng. Nói chung ba loại mỡ này bù trừ với nhau, giúp miếng dồi rất thơm, béo, giòn vừa phải. Rồi thợ nấu còn phải hấp, nướng dồi qua lửa nhỏ, trở đều, khi mặt dồi vàng ươm, tỏa mùi thơm phức là đạt.
Rau ăn kèm cháo lòng không thể thiếu giá sống, gừng tươi, kinh giới, húng lủi, húng quế. Giá mỗi tô là 10.000 đồng. Chất lượng hơn, bạn có thể gọi một tô cháo không và đĩa lòng nhỏ, giá chỉ 20.000 đồng. Quán này bán từ sáng đến nửa đêm.
Lỡ cữ cùng quán 24
Bì cuốn "thượng thừa"
Cũng ở quận 3, gần chợ Tân Định có quán 24, nằm trên đường Nguyễn Văn Mai, nhỏ như hẻm, không bảng chỉ dẫn, nhưng khách vẫn tấp nập. Giờ mở cửa quán là ba giờ chiều đến khoảng chín giờ tối, dù khách còn vào. Mới ba giờ kém mười lăm đã có khách gọi cửa chủ quán “xí” chỗ trước.
Quán này đã hơn 25 tuổi, còn bán rượu Cây Lý “rất xưa”. Rượu này còn gọi là rượu xị-xô, có nghĩa một xị rượu pha với một chai sô-đa. Uống rượu này, khách tự pha, tùy ý vắt tắc vào, ai “đô” mạnh thì ít sô-đa, ai “đô” yếu thì nhiều sô-đa và tắc, miễn vui đến tàn cuộc vẫn còn nhớ đường về.
Món ăn khai vị làm “khuynh đảo” tâm hồn không ít dân sành ăn Sài Gòn ở đây là bì cuốn. Nghe đơn giản, nhưng để làm sao gắn kết thật dung hòa các thứ bì heo, thính, xà-lách, rau thơm và nước chấm với nhau đòi hỏi không ít bí quyết, kinh nghiệm của người đầu bếp. Miếng bì ở đây rất giòn và tươi. Thêm nước chấm chua ngọt ngon “thượng thừa”, chưa thấy quán bánh xèo, bánh cóng nào ở TP.HCM nào sánh kịp nước chấm ở đây. Cỡ 2-3 người kêu một đĩa gỏi cuốn vừa đủ “đổ bê tông” cho dạ dày, chỉ tốn 18.000 đồng. Vẫn còn thèm rau, bạn có thể gọi xà-lách, rau càng cua. Món ngon có trứng vịt luộc hồng đào xếp lên trên như những cánh hoa hàm tiếu, rồi ít thịt bò tươi mềm ngọt và hương vị dầu giấm chua dịu, thơm thanh phảng phất.
Cần món đưa cay, bạn có thể gọi thêm cá lưỡi trâu một nắng chiên xù. Có thể ở những chợ quê, hay hàng quán khác con cá méo miệng, nhiều xương hông vừa kể ít ai để mắt tới. Nhưng ở quán này, bạn thử vẻ miếng cá, cặp thêm miếng ngò rí, nhai chậm rãi sẽ nghe ngọt, béo, thơm thanh thoát đến lạ lùng.
Và ngũ vị hương trong món ra-gu lưỡi bò ở đây đã "đuổi" hết mùi bò, để lại vị giòn, dẻo, ngọt, thơm đến... sạch đĩa, giá 52.000 đồng, cho 2 -3 người ăn.
St
Tấn Tới